may tro tinh | mon ngon de lam | cách làm kim chi | mon ngon moi ngay | các món ăn ngày tết | cách làm kim chi cải thảo |
Mặc dù kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết "Bức huyết thư" của nhà văn Bùi Anh Tấn, song "Thiên mệnh anh hùng" đã được hư cấu nhiều nội dung, chuyển từ đề tài lịch sử sang cổ trang, võ hiệp. Các nhà làm phim mong muốn, đây sẽ là "món ăn" mới của điện ảnh Việt, dù nó không còn xa lạ với khán giả khi xem phim võ hiệp Trung Quốc. Chuyện phim kể về thời hậu Nguyễn Trãi, sau nỗi oan khuất từ vụ án Lệ Chi Viên. Nguyên Vũ (Huỳnh Đông đóng), một hậu duệ của gia tộc sống sót sau thảm kịch tru di tam tộc, đã được vị trụ trì chùa Kỳ Lân (ca sĩ Minh Thuận đóng) cưu mang, truyền dạy võ nghệ. 12 năm sau, khi võ công đã đạt độ siêu phàm, được sư phụ kể cho nghe nỗi oan khuất của dòng họ, Nguyên Vũ từ giã sư phụ xuống núi chu du thiên hạ tìm cách rửa nỗi oan cho dòng họ. Chàng tình cờ gặp nữ hiệp Hoa Xuân (Mi Du đóng), một người cùng cảnh ngộ, chung mối thù với Thái Hậu (Vân Trang đóng). Hành trình giải oan, trả thù cũng chính là cuộc truy tìm bức huyết thư với vô vàn những bất trắc, hiểm nguy, lừa lọc. Với niềm tin son sắt hợp với "mệnh trời", Nguyên Vũ đã đoạt được bức huyết thư từ tay những kẻ mưu mô, phản nghịch. Chàng trao nó cho Thái Hậu với mong muốn chấm dứt mọi hận thù, chết chóc, mang lại thái bình cho muôn dân.
"CŨ NGƯỜI MỚI TA"
Với sự hư cấu có chủ đích, "Thiên mệnh anh hùng" đã tạo nên một cốt truyện tốt, mang nội dung tư tưởng rõ ràng: Lấy nhân nghĩa để xóa bỏ thù hận, lấy chính thắng tà. Mạch phim nhanh, giàu kịch tính. Những mâu thuẫn, xung đột giữa các tuyến nhân vật được đẩy lên cao trào khiến khán giả nhiều phen "thót tim". Phim có những góc máy đẹp, những cảnh quay núi non hùng vĩ xen lẫn làng quê, chốn cung đình cổ kính… rất đẹp mắt.
![]()
Tạo hình các nhân vật trong phim "Thiên mệnh anh hùng". Nguồn: Internet Tuy nhiên, những gì đáng nói về "Thiên mệnh anh hùng" cũng chỉ có thế. Nếu như bộ phim ra đời cách đây vài chục năm, khi dòng phim cổ trang, võ hiệp của Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác chưa ồ ạt vào Việt Nam thì chắc chắn sẽ có nhiều điều đáng nói về sự cố gắng của các nhà làm phim. Những gì được coi là thuần Việt từ bộ phim chỉ là bối cảnh hoàn toàn trong nước, do diễn viên nội thủ vai, chuyện phim dựa vào sử Việt. Còn lại, từ ý tưởng, tạo hình cho đến chất võ hiệp… thật sự chỉ là… "cũ người mới ta".
ẢNH HƯỞNG HAY LÀ NHÁI?
Xem phim, khán giả có cảm giác sự hư cấu của cốt truyện dường như chỉ để phù hợp với hình thức phim võ hiệp theo ý đồ của các nhà làm phim. Chuyện nhân vật bị oan khuất, rồi vào chùa luyện võ, rồi xuống núi báo thù, rồi gặp mỹ nhân, rồi đấm đá, chém giết… chúng ta vẫn gặp nhan nhản trong phim cổ trang Trung Quốc. "Thiên mệnh anh hùng" cũng theo mô-típ ấy. Những cảnh quay thích khách mặc đồ đen, đeo kiếm, bịt mặt, dùng tuyệt chiêu bay như chim trên nóc nhà, đột nhập chốn thâm cung để tìm bí mật… hay nhân vật anh hùng phi thân từ dưới nước để bắn cung tên, thích khách đội nón che mặt cầm cung tên truy sát nhau trong rừng… trong "Thiên mệnh anh hùng" cũng chính là sản phẩm của phim võ hiệp Trung Quốc đang chiếu nhan nhản trên truyền hình. Ngay cả tạo hình nhân vật sát thủ Trần Tướng Quân (Khương Ngọc đóng) với áo giáp đen, kiếm giấu trong tay áo, mắt trái bị chột, trước khi giao đấu thì ngúc ngắc đầu và cười gian xảo… cũng là sản phẩm cóp-pi.
Ngoại trừ Huỳnh Đông và Khương Ngọc thể hiện khá thành công các thế võ, các diễn viên còn lại đều khá gượng gạo, không thoát khỏi "căn bệnh" của phim hành động Việt là đánh võ… giả. Mi Du, Kim Hiền "yếu liễu đào tơ" đánh võ như… múa, tung đòn cước mà chân cứ cong queo. Ánh mắt "con nai vàng ngơ ngác" của Mi Du chẳng ăn nhập gì với nhiều cảnh quay đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết đoán của một nữ hiệp. Ca sĩ Minh Thuận với dáng người nhỏ thó, thủ vai một sư phụ võ nghệ vô song cũng thật khiên cưỡng. Thêm nữa, việc để cho nhân vật "hồn nhiên" đối đáp theo ngôn ngữ xì-tin và những cảnh hài hước có phần vô lý cũng đã làm giảm tính thuyết phục của phim.
Đành rằng giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu Á có những nét văn hóa tương đồng, song các nhà làm phim hoàn toàn có thể làm khác đi, ít nhất cũng là không lặp lại những hình ảnh quá quen thuộc mà người ta đã làm.
Năm ngoái, đạo diễn Victor Vũ đã từng bị dư luận lên án mạnh mẽ khi anh "đạo" gần như nguyên xi phim "Shattered" của đạo diễn Mỹ Wolfgang Petersen để làm nên "Giao lộ định mệnh". "Thiên mệnh anh hùng" nhái phim võ hiệp Trung Quốc hay chỉ là sự ảnh hưởng? Điều này để dành cho khán giả phán xét. Tuy nhiên, sự giống nhau đến mức "hồn nhiên" trong nhiều chi tiết như đã dẫn cho thấy, còn rất xa "Thiên mệnh anh hùng" mới có thể là bộ phim "mở đường", "đột phá", "mới mẻ"… như nó đã được tung hô. Và đâu là dấu ấn phim Việt, nếu chúng ta cứ tiếp tục "đột phá" như vậy?
PHAN TÙNG SƠN
No comments:
Post a Comment