Thursday, 2 February 2012

Nho noi

download winrar | download winzip | Phan mem diet virus |

Chẳng biết lũ ve ngủ quên giữa ngày hè, hay đang ngẩn ngơ với tiếng sáo diều đu đu trong khoảng không mà quên kiếp mình, để cứ lặng đi theo gió đồng mát rượi.

Làng quê yên bình quá. Bình yên đến nỗi tôi có thể nghe được nhành hoa lúa đang cựa xé mình nhô ra khỏi đòng, mang hương ngai ngái thốc vào cánh mũi tuổi thơ tôi. Bình yên trong thì thầm lời ru gọi trăng xuống thấp, quyện vào mùi bùn, tan vào giọt sương, gõ xuống lòng đất ấm…

Khi tôi lớn, mẹ mới sinh em tôi. Ngày sinh em tôi là ngày tôi mất mẹ. Bố đi công tác, chúng tôi ở với nội. Em tôi khát sữa, nội pha chút nước đường nhạt và cất lên lời ru đưa anh em tôi vào giấc ngủ.

Nội già lắm rồi. Nội không biết viết, không biết đọc, nhưng trong đời tôi chưa thấy ai kể chuyện và hát ru hay như nội...

"...Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn..."

Nội vẫn thường hát thế, nhưng cũng đôi khi trên cái miệng móm mém của nội, chỉ có tiếng ư ư, à ơi, à ơi... cũng đưa chúng tôi vào sâu trong giấc ngủ.

Sau ba mươi năm...

Chiếc máy bay chao nghiêng trên những cánh đồng không còn xanh nữa, những cánh đồng giờ đã khác từ trên cao. Tôi cúi xuống giấu đi giọt nước mắt trước anh bạn.

Bạn tôi, một người nước ngoài, người công tác cùng tôi hay hỏi tôi về Việt Nam. Anh nói rằng anh yêu đất nước tôi, yêu những con người nhịn đói "đúc gạo thành đạn" đứng lên giết giặc giữ nước và anh càng yêu hơn khi tôi hát cho anh nghe, câu dân ca trong lời ru đất mẹ. Và anh đến quê hương tôi.

Đi trên con đường đen bóng, ngỡ ánh trăng không còn đủ sáng để len qua ánh điện nhờ nhờ đang hắt vào đêm, những gam màu cỏ úa. Đâu rồi tiếng trẻ con bi bô học bài? Đâu rồi tiếng sáo diều nảy mầm cỏ bẽn lẽn tìm gọi sương? Đâu rồi tiếng gà gáy sáng?....

Thay vào tiếng trẻ là những âm thanh hỗn độn được phát ra từ những chiếc loa công suất lớn. Thay vào tiếng sáo diều là tiếng cãi vã cơm canh. Thay vào hương lúa, hương ngô là những mùi thum thủm, khét lẹt của một khu công nghiệp bủa vây lấy cánh đồng... Thay vào lời ru là tiếng the thé trẻ thơ khát sữa, mà người mẹ nào đó sợ đôi môi nhỏ nhắn ấy lôi đi sắc đẹp của mình... bóng tối loang lổ trên cánh đồng tuổi thơ lồi lõm của tôi.

Thắp nén hương thơm. Tôi và anh bạn sang nhà bác tôi.

Bác tôi vẫn thế. Rượu vặt và trăng đêm là món khoái khẩu của bác.

Quê mình giờ nhiều chuyện gay go lắm cháu ạ! Bác nói mà không nhìn tôi.

Chúng tôi đau đáu nhìn ra khoảng vườn trong lời nói của bác.

Quê mình khác xưa nhiều lắm. Ngỡ tưởng có điện, có máy về làng là khá... ai ngờ thế này. Trẻ con lớn lên suốt ngày vùi đầu vào điện tử, chát chít. Bố mẹ chúng là tấm gương cho chúng soi. Việc gì phải học. Lớn lên khắc có việc làm. Một năm thu nhập bằng cả chục vụ lúa, ối người đi học có làm vương làm tướng gì? Thà cứ đợi đủ tuổi xin vào khu công nghiệp, thế là xong.

Bác tôi ngậm ngùi sau ly rượu đắng: Bây giờ chuyện cãi vã, xô xát xảy ra như cơm bữa. Con cãi mẹ, vợ cãi chồng, già trẻ mày tao, tôi ông chẳng ra thể thống gì... Tự do! Tự do đến mức mười ba tuổi chửa, hai mươi tuổi ly hôn, tóc con gái ngắn cũn cỡn, tóc con trai dài ngoằng ngoẵng đủ mọi gam màu hỗn tạp, ma túy gõ cửa nhiều nhà... ôi quê ơi là quê...!

Mải nghe bác nói, đến khi tiếng ông anh cả con của bác tôi thét đứa trẻ ầm ĩ trong nhà. Nó không chịu đi ngủ vì mất điện. Nó ngủ phải có nhạc "trẻ" mới ngon giấc... Tôi hỏi thế mẹ cháu đâu, thì bác tôi nghèn nghẹn: Mẹ nó ở nhà cũng thế thôi. Giờ khác xưa lắm rồi. Bọn trẻ bây giờ bỏ quên chữ nghĩa, bỏ quên cả những lời ru...

Tôi và anh bạn lặng lẽ bước đi. Những quán cà phê làng đèn còn nhoi nhói đỏ, quán Internet còn nhấp nhô những ánh mắt hoang hoải, tiếng karaoke nhào nhạo bóp vào ngực tôi đau nhức.

Tôi đứng trên cánh đồng tuổi thơ khi trăng ngả bóng, sương buông lạnh buốt, mây trời vắt chéo thành hình con gấu hoang.

Cơn mưa ập xuống. Giọt nước mưa không còn ngọt nữa. Mặn đắng và sắc lẹm. Tôi nhớ Nội quá.

Sau đêm ấy, tôi phải lựa lời giải thích với anh bạn rằng quê tôi đang đô thị hóa, quê tôi đang vươn dậy. Hy vọng 15, 20 năm sau bạn có về thăm, quê tôi sẽ khác.

Tản văn của Tiến Mạnh


Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment